Khi đến du lịch và làm việc tại đất nước mặt trời mọc, khách hàng sẽ cảm nhận được thái độ: Lịch sự, thân thiện, chu đáo,… đó chính là Omotenashi là những điều đã in đậm dấu ấn trong lòng du khách về tinh thần hiếu khách khó quên của người Nhật.
“Omotenashi” nghĩa là gì?
Trong tiếng Nhật, “Omotenashi” nghĩa là đón tiếp khách hàng bằng cả tấm lòng, bằng sự chân thật, không giả tạo, không giấu giếm. Đó là sự quan tâm và những hành động giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Không những thế, trong nền tảng quy định và tác phong bắt buộc tại hầu hết các công ty Nhật đều có “Omotenashi” đối với tất cả nhân viên.
3 điều làm nên Omotenashi của người Nhật
Thứ nhất, là chăm sóc khách hàng chu đáo trên cả sự mong đợi của họ. Những cử chỉ quan tâm đến khách hàng, giúp họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu chính là những điều nhỏ nhưng tinh tế mang lại cho khách những cảm tình,ấn tượng đẹp và khiến họ phải quay trở lại lần hai, lần ba.
Điều thứ hai là hết lòng phục vụ khách mà không cần khách phải “hậu tạ” lại. Ở Nhật, dù là nơi sang trọng hay cửa hàng nhỏ bình thường, nhân viên đều hết lòng chào hỏi, cảm ơn, phục vụ mà không yêu cầu thêm chi phí gì cả.
Điều thứ ba là thái độ tiếp khách nồng hậu như vậy bắt nguồn từ tấm lòng chân thành. Và người Nhật quan niệm rằng để có thể quan tâm, nghĩ đến người khác thì bản thân mình cần có sự thư thả trong tâm hồn.
Tinh thần hiếu khách “Omotenashi” trong cộng đồng
Omotenashi được định nghĩa là một nghệ thuật hiếu khách “hết lòng, quên mình”, một nền tảng trong văn hóa Nhật Bản. Được chào đón ai đó đến nhà hay có thể đoán trước mọi nhu cầu của họ được xem là niềm vinh hạnh của chủ nhà.
Không quá khó để lấy ví dụ, mà bạn có thể thấy “Omotenashi” hàng ngày tại Nhật Bản. Một tài xế taxi tự động mở ra và đóng cửa cho hành khách của mình, những chiếc ô và túi được đặt sẵn trong tầm tay ở một cây ATM tại Nhật Bản. Hoặc những người dọn vệ sinh trên các chuyến tàu Shinkansen cúi chào hành khách khi họ làm việc cũng là một biểu hiện nổi tiếng của omotenashi.
Bạn có thể nhìn thấy nhà vệ sinh vô cùng sạch sẽ, sẵn sàng phục vụ mọi người ở hầu hết địa điểm công cộng. Thức ăn luôn được trình bày đẹp để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người ăn. Ở dưới hoặc bên cạnh bàn ăn nhà hàng hay quán bar luôn có một chiếc giỏ nhỏ để bạn để túi xách hay áo khoác.
Khi tham quan bất kỳ một cửa hàng Nhật Bản được mở vào buổi sáng, mỗi nhân viên cúi chào khi bạn bước vào thực sự là một trải nghiệm khó quên. Omotenashi còn được thể hiện khi người bán hàng có thể đoán trước đươc nhu cầu của khách hàng và đưa ra sản phẩm và dịch vụ tốt nhất mà khách hàng không ngờ tới. “Omotenashi” là một niềm tự hào và nỗ lực trong việc chào đón du khách đến với cửa hàng của mình.
Nhiều nhà sử học cho rằng gốc rễ của Omotenashi chính là từ lễ trà truyền thống của Nhật Bản. Trên thực tế, từ “omotenashi” bắt nguồn từ tiệc trà. Chủ tiệc trà sẽ cố gắng hết sức để tạo không khí giúp khách thư giãn, tỉ mỉ chọn kiểu bát, hoa và cách trang trí thích hợp nhất mà không mong mỏi được đáp lại. Các khách mời nhận thức rõ nỗ lực của chủ nhà và đáp lại bằng thái độ tôn trọng. Cả chủ và khách tạo ra môi trường hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, theo niềm tin rằng việc tốt cho cộng đồng quan trọng hơn nhu cầu cá nhân.
Cũng vì truyền thống đó mà làm việc trong ngành dịch vụ được coi là phải có sự tôn trọng và thành thật ở mức tối đa nhất.
Omotenashi được coi là một phần của văn hóa Nhật Bản, đất nước sẽ tổ chức Thế vận hội vào năm 2020. Người phát ngôn Christel Takigawa đã hứa rằng Tokyo sẽ mang đến cho các vận động viên và khách du lịch một sự chào mừng độc đáo, với truyền thống từ thời tổ tiên nhưng vẫn ăn sâu vào văn hóa hiện đại của Nhật Bản. Omotenashi giải thích lý do tại sao người Nhật chăm sóc lẫn nhau cũng như chăm sóc khách đến thăm rất tốt.
Bên cạnh đó, ở Nhật, mọi nhân viên cửa hàng, không kể là ai, đều phải chào khách bằng cách nói to và lịch sự “irasshaimase” (Kính chào Quý khách). Tuy ở các cửa hàng Walmart hay GAP cũng có người chào hỏi nhưng ở Nhật, quan niệm chào đón một người nào đó là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Đa số các nhân viên bán hàng ở Nhật sẽ cúi đầu trước sàn bán hàng (sales floor) mỗi khi họ đi ra hay quay vào nhà kho, như một biểu hiện của sự tôn trọng. Tại cửa hàng Louis Vuitton ở Roppongi, nhân viên bán hàng sẽ kín đáo trao đổi qua tai nghe để đồng nghiệp biết khách hàng đang di chuyển về khu vực của họ. Còn ở Tokyo, chắc chắn bạn sẽ không bắt gặp nhân viên bán hàng nào tỏ vẻ chán nản hay ngồi nghịch điện thoại trong quầy bán hàng.
Tất nhiên các dịch vụ tuyệt vời được thực hiện mà không có sự kỳ vọng sẽ nhận được tiền tip. Ở nhà hàng Nhật, phục vụ không hề được nhận tiền tip. Trong thực tế, nếu bạn đưa tiền tip cho ai đó, họ sẽ từ chối, có người còn coi đó là một sự xúc phạm. Omotenashi còn có nghĩa là trao đi mà không kỳ vọng, tính toán mình sẽ giành được phần thưởng.
Tất nhiên, tiền phục vụ đó đã được các nhà hàng tính trong lương nhân viên. Các chuyên gia trong ngành dịch vụ của Nhật được dạy cần tin rằng: Một khách hàng hài lòng sẽ giới thiệu đến nhiều khách hàng khác, việc kinh doanh tiếp tục phát triển như vậy mới là phần thưởng đáng giá nhất.